diễn đàn nông nghiệp tây bắc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Cao Phong mùa cam chín

Go down

Cao Phong mùa cam chín Empty Cao Phong mùa cam chín

Bài gửi  Admin Wed Apr 07, 2010 10:09 pm

Chúng tôi về thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) giữa mùa cam chín rộ. Mọi ngả đường vào thị trấn vùng cao này đều vàng rực một mầu cam chín.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, cây cam đã được khẳng định trên đồng đất của địa phương này từ năm 1964. Nhưng vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước do nhận thức chưa đầy đủ về chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên nhân dân địa phương đã thay thế cây cam bằng cây chè, thầu dầu, đậu đỗ nhưng bị thất bại vì những loại cây này không phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng của đồng đất Cao Phong. Và cây cam cũng bị lãng quên.

Chỉ đến khi có nghị quyết của Huyện ủy Cao Phong về phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì cây cam, cây mía vốn là hai loại cây trồng truyền thống ở Cao Phong mới được trở lại vị trí xứng đáng. Trong đó cây mía được xác định là cây "xóa đói, giảm nghèo", còn cây cam giúp cho người dân làm giàu. Thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng chuyên canh sản xuất cam hàng hóa. Trong 711 ha đất sản xuất nông nghiệp của thị trấn đến nay đã trồng được gần 300 ha cam các loại; trong đó có 120 ha cho thu hoạch.

Năm 2007, cây cam ở Cao Phong đạt đỉnh cao về năng suất, bình quân 40 tấn/ ha, trị giá khoảng 180 triệu đồng (có những cây cam cho tới 600 kg quả mà chỉ cần khoảng 20 m2 đất). Trừ chi phí sản xuất người trồng cam thu lãi khoảng 90 triệu đồng/ ha. Bình quân mỗi hộ dân ở Cao Phong trồng khoảng 5.000 m2 cam hằng năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Gia đình các ông Tạ Ðình Ðào, Lê Huy Nhật, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Bình... có tiềm lực kinh tế trồng tới 4- 5 ha cam.

Cây cam không chỉ làm giàu cho mỗi hộ dân mà còn góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo của thị trấn vùng cao này.

Ðến năm 2008 tăng trưởng kinh tế của thị trấn Cao Phong đạt 16,5%/năm; thu nhập bình quân khoảng 10,5 triệu đồng/người/năm. Hàng trăm hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Hơn 1.000 hộ dân của thị trấn đều có nhà xây kiên cố. Trên địa bàn thị trấn có 47 xe ô-tô các loại. Vào mùa vụ các chủ xe thường đứng lên thu gom cam của người sản xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Ðịnh, Sơn La...

Tuy nhiên do phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cam cùng chủng loại của các địa phương khác nên lượng cam do các chủ xe chuyên chở đi tiêu thụ còn khiêm tốn. Phần lớn lượng cam được bán lẻ trên địa bàn và các tư thương từ nơi khác đến thu gom. Cho nên dù thấy được sự giàu có từ cây cam nhưng người dân Cao Phong vẫn chưa dám mở rộng diện tích.

Về vấn đề này đồng chí Bùi Văn Kẹn, Giám đốc Công ty rau quả nông sản Cao Phong cho biết: Khi huyện Cao Phong thực hiện Ðề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch thị trấn Cao Phong làm vùng sản xuất cam hàng hóa tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Ðảng ủy công ty có nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cam Cao Phong.

Theo hướng đó, công ty tăng cường đầu tư thâm canh cho những diện tích cam đã trồng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðồng thời mạnh dạn đưa một số giống mới có phẩm cấp cao như cam Canh, bưởi Diễn, quýt Ôn Châu, cam V2 vào đồng đất Cao Phong nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Kết quả bước đầu của Ðề án chuyển dịch cơ cấu giống là công ty đã tạo ra được các trà cam sớm, chính vụ và cam muộn khắc phục tình trạng ứ đọng sản phẩm trong thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch. Hiện công ty và địa phương đang tiến hành chương trình xây dựng thương hiệu "Cam Cao Phong".

Ngoài những giải pháp mà công ty đã và đang làm nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm thì các nhà quản lý cần tính đến việc tạo ra những dấu hiệu đặc trưng cho sản phẩm và xem đấy như một đặc sản của quê hương Cao Phong cung cấp cho thị trường cũng như người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chỉ có như vậy mới xây dựng thành công thương hiệu "Cam Cao Phong". Ðể làm việc này công ty đã có kế hoạch phục tráng giống cam truyền thống nhưng chưa nhiều. Hy vọng trong thời gian tới những người trồng cam ở Cao Phong tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để cho những mùa cam chín trên vùng cao này thêm ngọt ngào tình người và tình đời.

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 6
Join date : 03/04/2010

https://nongnghiep.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết